Rộn ràng những phiên chợ xanh ở “Xóm thủ công”

VHO- Những phiên chợ nhỏ với các gian hàng là sản phẩm thủ công sáng tạo của người Hội An, theo tiêu chí xanh, hạn chế rác thải nhựa được tổ chức định kỳ tại “Xóm thủ công” Hội An đã trở thành điểm hẹn cuối tuần của người dân, du khách.

Rộn ràng những phiên chợ xanh ở “Xóm thủ công” - Anh 1

 Họa sĩ Tú ký họa chân dung

“Xóm thủ công” Hội An là tên gọi được nhiều người đặt cho con hẻm nhỏ tại số 186 Trần Phú, TP Hội An, ngay sát di tích chùa Cầu nổi tiếng. Một cái hẻm (xóm) nhỏ chừng 6-7 căn nhà, nhưng lại có rất nhiều cửa tiệm chuyên sản xuất những sản phẩm thủ công.

Chị Trương Mi Sa, một cư dân của xóm và cũng là một trong người kết nối, hình thành các phiên chợ chia sẻ, “đam mê với nghề da thủ công, thiết kế các sản phẩm túi xách, giày dép từ da, vợ chồng Sa kết hợp cùng với một người bạn làm nghề may mở tiệm da thủ công Sa Tế leatherworkshop và tiệm quần áo may đo M&M tailor ở trong xóm. Về sau có duyên nên có thêm hai nhà nữa cùng về xóm là xưởng hội họa của họa sĩ Lê Đắc Tú và tiệm hàng linen họa tiết thêu tay Thư Thả”. Khi mới tụ họp về, mọi người đều cảm thấy con xóm buồn quá và cùng ấp ủ triển khai một khu phức hợp những mặt hàng thủ công. “Xóm thủ công” Hội An ra đời như thế, để định danh cái xóm chuyên sản phẩm thủ công “made in Hội An”.

“Rồi khi hình thành bản thân tụi em thấy xóm vẫn còn khá “nghèo nàn”, chỉ mới dăm ba cửa tiệm thấy chưa “đã” nên quyết định dựa trên các mối quan hệ của mình, kêu gọi những người bạn chuyên làm hàng thủ công về đây, tạo dựng nên cái “Xóm thủ công”. Nhưng nhiều bạn còn có công việc khác, chỉ có thể tụ tập nhau một tháng đôi lần, mô hình chợ phiên là thích hợp nhất”, Mi Sa kể. Từ ý tưởng ấy, chị Sa và những người cùng đam mê với các sản phẩm thủ công đã kết nối, chung sức để hình thành phiên chợ thủ công định kỳ tại xóm. Qua đó tạo sân chơi cho những người làm nghề thủ công may mặc, thêu tay, đồ da… tại Hội An có cơ hội giao lưu, giới thiệu, góp phần quảng bá, lan tỏa sản phẩm thủ công Hội An đến với du khách.

Rộn ràng những phiên chợ xanh ở “Xóm thủ công” - Anh 2

 Du khách thích thú với những món đồ tái chế, hàng handmade của Xóm thủ công

Đặc biệt, các gian hàng tham gia theo tiêu chí xanh, hạn chế rác thải nhựa, khai thác, tái chế và tận dụng vải, da thừa trong quá trình sản xuất vào những thiết kế thủ công. Nhiều du khách tham quan phố cổ Hội An bất ngờ khi lạc chân vào xóm thủ công trong ngày diễn ra những phiên chợ đầu tiên. Một con hẻm nhỏ, đầy màu sắc, tươi tắn, rộn ràng với những gian hàng quần áo, phụ kiện, hàng thủ công. Được trải nghiệm và tham gia vào các “workshop”, các khóa học vẽ tranh của họa sĩ Lê Đắc Tú; làm đồ da của Sa Tế leatherworkshop; phụ kiện thủ công của Soi handmade, thắt tóc bím nghệ thuật; thưởng thức nghệ thuật thêu tay của Thư Thả, móc len của Handmade crochet iiÂn; kỹ thuật rập của MongDuu Thiết kế và May đo; kỹ thuật thắt macrame của Thy Kin;… nhiều du khách cảm nhận được một Hội An đầy lãng mạn, đậm chất thơ.

Sau hai phiên chợ đầu, xóm quyết định sẽ họp chợ một lần/tháng, vào hai ngày thứ 7, Chủ nhật ở tuần thứ 2 của tháng. Với mong muốn tìm kiếm sự thú vị, bất ngờ, thu hút tại mỗi chợ phiên, các thành viên của Xóm đã cùng lên ý tưởng, từng chủ đề cho mỗi phiên chợ. Mỗi phiên chợ sẽ làm một chủ đề, chắt lọc, cụ thể và khuyến khích mọi người “sản xuất” mặt hàng tại phiên chợ, trình diễn kỹ thuật của mình, để dần dà mọi người biết đến đồ của xóm là đồ do chính tay các cư dân xóm làm thủ công, không phải hàng mua đi bán lại, hàng nhái hàng giả,… Chợ phiên lần thứ hai diễn ra vào cuối tuần qua là “Câu chuyện về nghề may Hội An”. Cùng với talk show về chuyện nghề may đo và thời trang của Hội An xưa và nay do chính những người làm nghề, nhà nghiên cứu văn hóa Hội An cùng trao đổi với du khách là những câu chuyện, trải nghiệm với những nghề thủ công.

Những phụ kiện, sản phẩm thủ công nhỏ nhắn, nhưng hàm chứa những câu chuyện “tái sinh rác thải”, tận dụng những vật liệu tưởng chừng đã thành rác thải như vải vóc, da thuộc,… để chế tác nên những sản phẩm độc đáo, không “đụng hàng”. Như phong trào khai thác và tận dụng vải thừa ở các tiệm may vào những thiết kế thủ công của nhóm bạn trẻ Sistersister sinh sống tại Hội An; Quy trình làm bánh xà phòng thủ công từ nguyên liệu thiên nhiên của Meraki; Lớp học miễn phí và thiết kế những bộ quần áo cho búp bê được cửa hiệu may M&M Tailor đem đến phiên chợ với mong muốn tận dụng những vải thừa từ cửa hiệu của mình để làm nên những bộ áo quần xinh đẹp cho những em búp bê.

Và nếu có thời gian, du khách cũng có thể thong thả khám phá quanh con hẻm để nghe kể câu chuyện khởi nghiệp, đam mê giữ nghề thủ công, trải nghiệm với những nhân vật rất thú vị của cái “Xóm thủ công” Hội An . Một Hội An rất giản dị, hồn nhiên, bền vững với những giá trị văn hóa bản địa, nghề thủ công truyền thống nhưng cũng rất năng động, trẻ trung, nắm bắt cơ hội tiếp cận, quảng bá đến với du khách hiển hiện rất rõ ở cái xóm ấy. 

 KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc